Sự phát triển của trẻ 3 tuổi: bước chuyển mình quan trọng bố mẹ đã nắm rõ được để có những kế hoạch phát triển phù hợp cho con? Giai đoạn từ 0-3 tuổi là thời kỳ vàng son cho sự phát triển của trẻ, khi mỗi bước chuyển mình trong giai đoạn này có thể đem lại ảnh hưởng lớn đến trẻ cũng như của cha mẹ và người chăm sóc sau này. Chính vì vậy, việc hiểu về tuổi này của trẻ không chỉ nắm vai trò quan trọng mà còn là một hành trình tuyệt vời khi đồng hành cùng con.

Trong bài viết này, phụ huynh hãy cùng Enspire khám phá những bước tiến quan trọng trong sự phát triển của trẻ 3 tuổi, từ khía cạnh vật lý đến những khả năng ngôn ngữ, xã hội, và tư duy. Từ đó cùng tạo ra môi trường phát triển tích cực, lành mạnh, đồng hành cùng các con phát triển nhé!

Tổng quan sự phát triển của bé từ 1-2 tuổi

Vận động: Bé đã có thể tự đứng vững, tự đi một mình, bước len bậc thềm với sự giúp đỡ của phụ huynh, biết cầm bút vẽ nguệch ngoạc, cầm nắm những đồ vật nhỏ,…

Ngôn ngữ: Bé đã tích lũy được từ 20 – 80 từ đơn, biết phản ứng lại khi nghe bố mẹ gọi, có thể bày tỏ cảm xúc cá nhân bằng cách lắc hay gật đầu và bé đã có thể sử dụng một vài từ ghép đơn giản như: bố ơi, mẹ ơi, đói bụng,…

Nhận thức: Con có thể nhìn những hình ảnh và gọi tên, phân biệt được người thân xung quanh, thể hiện cảm xúc khác nhau với từng người. Bé bắt đầu có những quan hệ xã hôi như chơi đùa, giành đồ chơi với bạn cùng lứa,…

Cảm xúc: Đối với những món đồ chơi hay người yêu thích, con đã biết biểu lộ sự yêu thích hay sự lo lắng khi bắt gặp một người, một sự vật xa lạ. Biết cười khi thích thú, khóc khi hờn dỗi, bắt chước những hành động của người xung quanh hay đôi khi tỏ ra bướng bỉnh.

Kỹ năng xã hội: Bé có thể tự uống nước bằng cốc, dùng được thìa (muỗng), tự cởi quần áo hay rửa tay khi có người dạy. Ở giai đoạn này, bé đã thể hiện được ý muốn của bản thân bằng hành động, trẻ thích được nghe kể chuyện hoặc chơi trò chơi,… Ba mẹ nên lưu ý những việc làm này để kích thích trẻ thông minh hơn.

 

Các giai đoạn phát triển của trẻ
Các giai đoạn phát triển của trẻ cha mẹ nên lưu ý

Sự phát triển của trẻ 3 tuổi

Đặc điểm sự phát triển của trẻ 3 tuổi về thể chất

Ở trẻ 3 tuổi, tốc độ phát triển sẽ chậm hơn giai đoạn từ 1-3 tuổi. Mỗi đứa trẻ thường sẽ có sự phát triển khác nhau, trung bình thường là:

  • Chiều cao: tăng trung bình từ 5 – 7 cm/1 năm.
  • Cân nặng: tăng trung bình từ 1,8 – 2,7kg/1 năm.

Độ tuổi này, sự phát triển thể chất của bé còn bao gồm những vận động thô (gross motor) và vận động tinh (fine motor).

Trong đó, trẻ có thể thực hiện những động tác vận động thô như sau:

  • Tự mình đi lên hay xuống cầu thang mà không cần sự trợ giúp của người lớn
  • Có thể chạy nhảy thuận thục, đá, ném và bắt bóng “điêu luyện”
  • Biết đi xe đạp 3 bánh, là một tay lái “lụa” đó nhé
  • Đứng bằng một chân và giữ thăng bằng tối đa 5 giây
  • Cúi xuống nhặt đồ và đứng lên mà không bị té
  • Tự mặc quần áo mà không cần sự trợ giúp
  • Bước tới và bước lui dễ như ăn kẹo

Theo đó, khả năng vận động tinh của bé qua các động tác sử dụng bàn tay và ngón tay linh hoạt như:

  • Cầm nắm các đồ vật nhỏ và lật trang sách một cách dễ dàng
  • Có thể vẽ tranh đơn giản và viết chữ. Các bức vẽ của bé giai đoạn này có thể khiến bố mẹ phải bật cười đó
  • Cầm và sử dụng kéo (lưu ý lựa chọn kích thước và loại kéo không có đầu nhọn để phù hợp cho bé)
  • Ráp được mô hình, đồ chơi khối nhỏ trờ lên
  • Vặn mở, đóng nắp chai hay bật mở các hộp đựng dễ dàng

 

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ 3 TUỔI: BƯỚC CHUYỂN MÌNH QUAN TRỌNG BỐ MẸ NÊN BIẾT 1
Trẻ 3 tuổi đã có thể thực hiện các hoạt động thể dục đơn giản

Sự phát triển của trẻ 3 tuổi thay đổi về tâm lý

Trẻ 3 tuổi có sự thay đổi vượt bậc về tâm lý khi ở độ tuổi này, bé trí não của bé rất tò mò về thế giới xung quanh và hình thành những suy nghĩ rất phong phú. Theo đó, trẻ đã có nhận thức về tâm lý xã hội, cha mẹ sẽ ít bắt gặp bé quấy khóc vô lý và trở nên hòa đồng, thân thiện hơn khi tiếp xúc cùng người khác và bạn bè. Giờ, bé đã có những tư duy về cách “hợp tác” để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên bé đã bắt đầu hình thành tâm lý chiếm giữ, ghen tị nên nếu không được cha mẹ, thầy cô giải thích, dạy dỗ kịp thời sẽ dẫn đến những hành động không tốt như: cãi nhau, tranh giành với bạn, “mượn” luôn đồ của người khác hay nghiêm trọng hơn là dẫn đến đánh nhau với bạn.

Bé đã có thể thể hiện cảm xúc rõ ràng hơn bằng cả hành động và lời nói như: biết nói cảm ơn nếu được giúp đỡ, biết ôm và thể hiện cảm xúc với bố mẹ, và các sắc thái cảm xúc khác chẳng hạn buồn chán, tức giận, bướng bỉnh,…

Xa hơn nữa, trí tưởng tượng xủa bé độ tuổi này rất phong phú. Cha mẹ có thể chơi đùa những trò chơi giả tưởng, kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Nhưng trẻ cũng có thể xuất hiện những nỗi sợ phi thực tế, dẫn đến lo âu hay ảnh hưởng tinh thần trẻ, vì vậy phụ huynh nên chú ý đến các thay đổi tâm lý, cảm xúc của trẻ thường xuyên.

Trẻ 3 tuổi có sự phát triển thay đổi về nhận thức, tư duy

Khác với giai đoạn trước, sự phát triển của trẻ 3 tuổi về nhận thức và tư duy khi ở khoảng thời gian này rất phát triển, trí não của bé rất tò mò về thế giới xung quanh và hình thành những suy nghĩ rất phong phú. Bé thường đặt ra nhiều câu hỏi về mọi sự vật, sự việc diễn ra xung quanh bé, do đó ba mẹ có thể nhận thấy trẻ thay vì quấy khóc rất nhiều như giai đoạn 1-3 tuổi thì sẽ có xu hướng đặt ra rất nhiều câu hỏi. Ngoài ra bé cũng có thể:

  • Nhận biết được các con vật quen thuộc
  • Hiểu được giống và khác nhau của sự vật sự việc, bắt đầu so sánh kích thước của chúng với nhau
  • Phân biệt được các màu sắc
  • Có thể đếm số dễ dàng
  • Khả năng tưởng tượng sáng tạo
  • Nắm bắt và phân biệt được các khoảng thời gian (sáng, chiều, tối)
  • Sắp xếp đồ vật, quần áo theo màu sắc
  • Giải các câu đố phù hợp với lứa tuổi
  • Ghi nhớ các câu truyện và đóng giả nhân vật trong đó

 

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ 3 TUỔI: BƯỚC CHUYỂN MÌNH QUAN TRỌNG BỐ MẸ NÊN BIẾT 2
Sự phát triển của trẻ 3 tuổi khiến bé có tư duy sáng tạo

Sự phát triển của trẻ 3 tuổi về giao tiếp ngôn ngữ

Nếu ở các độ tuổi trước đó, con của bạn thường không nói quá nhiều, nói không rõ chữ, không có khả năng truyền đạt ngôn ngữ thì ở giai đoạn phát triển 3 tuổi, trẻ đã có thể nói rõ ràng rành mạch, trả lời những câu hỏi đơn giản, có các cuộc hội thoại ngắn 2 – 3 câu cùng lúc. Bé cũng có thể:

  • Trả lời rõ ràng, rành mạch tên tuổi của trẻ, thậm chí của các thành viên trong gia đình
  • Nói và hiểu được nghĩa của 250 – 300 từ
  • Biết cách sử dụng các đại từ nhân xưng như “mình”, “bạn”, “anh/chị/em”,…
  • Thích thú với việc đặt biệt danh cho mọi người và mọi thứ xung quanh
  • Biết hát, kể chuyện thiếu nhi
  • Có thể mô tả được những gì trẻ nhìn thấy (ví dụ ngôi nhà 2 tầng màu vàng)

Những thông tin trên chỉ mang tính tổng hợp và tham khảo, mỗi trẻ có thể có khả năng và tốc độ phát triển khác nhau, vì thế cha mẹ nên để con phát triển theo đúng khả năng của mình. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên theo dõi sát sao những biểu hiện về sự phát triển của trẻ 3 tuổi và soi chiếu với các vấn đề trẻ 3 tuổi thường gặp.

Những vấn đề trẻ 3 tuổi thường gặp

Như những gì đã viết ở trên, mỗi trẻ thường có tốc độ phát triển khác nhau, tuy nhiên một số trẻ sẽ không may gặp phải những vấn đề sau nếu ba mẹ không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng:

  • Trẻ 3 tuổi bị chậm nói, ít nói, nói không rõ ràng, vốn từ vựng ít hoặc thường xuyên chảy nước miếng
  • Gặp trắc trở khi chơi với các loại đồ chơi đơn giản chẳng hạn như miếng xếp hình, bảng phân biệt màu sắc, hình dạng…
  • Trẻ không thể hiểu những lời nói hoặc chỉ dẫn đơn giản
  • Không thể thực hiện những hành động đơn giản, cầm nắm những đồ vật nhỏ
  • Không dám nhìn vào mắt người khác hoặc không biết giao tiếp bằng ánh mắt
  • Không muốn chơi đồ chơi hoặc bị cô lập, không muốn chơi với những đứa trẻ khác
  • Thường xuyên bị vấp ngã, đặc biệt khi leo lên, xuống cầu thang
  • Không có khả năng cầm bút màu; gặp sự cố khi viết nguệch ngoạc và không thể sao chép một hình vẽ đơn giản

 

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ 3 TUỔI: BƯỚC CHUYỂN MÌNH QUAN TRỌNG BỐ MẸ NÊN BIẾT 3
Cha mẹ lưu ý những biểu hiện của trẻ để đưa ra phán đoán tốt nhất

Khi quan sát thấy con gặp phải những vấn đề này, phụ huynh nên tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia để đảm bảo sự phát triển của trẻ diễn ra tốt nhất.

Enspire gợi ý ba mẹ một số cách chăm sóc trẻ 3 tuổi

Nếu bố mẹ vẫn chưa cho con đi học mẫu giáo, thời điểm 3 tuổi sẽ là lúc hoàn hảo để đưa bé đến những cơ sở giáo dục. Bởi giai đoạn này theo nhiều kết quả nghiên cứu, trẻ em có khả năng tiếp thu rất tốt và dễ dàng. Vậy nên đưa bé đến các môi trường giáo dục là một trong những cách tốt nhất để phát triển các kỹ năng xã hội, cải thiện các thói quen xấu, xây dựng nền tảng cho những năm tiếp theo.

Ngoài ra, cha mẹ có thể tham khảo một số lời khuyên sau:

  • Dành nhiều thời gian để chơi cùng con, gồm cả hoạt động trong nhà và ngoài trời
  • Tạo và tuân thủ thói quen sinh hoạt khoa học cho bé
  • Đọc sách truyện, hát cho trẻ và chơi cùng trẻ những trò chơi đơn giản, dễ nhớ
  • Kiễn nhẫn giải đáp, thường xuyên nói chuyện, hỏi trẻ những việc đã xảy ra trong ngày, khen ngợi trẻ, khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc
  • Hạn chế trẻ sử dụng thiết bị điện tử quá mức, thường trung bình là 1 giờ/ngày
  • Tham khảo chế độ dinh dưỡng cho con đúng khoa học, đầy đủ dưỡng chất cần thiết

Ba mẹ có thể tham khảo thêm:Nuôi dạy trẻ 3 tuổi thông minh tối ưu

 

Cũng như trẻ ở bất kỳ giai đoạn nào, trẻ 3 tuổi cũng cần được bố mẹ quan tâm, theo dõi sát sao để đưa ra những kế hoạch hợp lý nhất. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bậc cha mẹ nằm lòng được sự phát triển của trẻ 3 tuổi và từ đó có thể có những dự định phù hợp nhất cho chon nhé!

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận